Thứ năm 30/11/2023 04:06 Hotline: 0929242424 Email: [email protected] congan.hanoi.gov.vn
Ám ảnh và trách nhiệm

Bài 5: Bắt đầu từ cán bộ, đảng viên và… người trẻ

Văn hóa giao thông -
In bài viết

TTTĐ - Theo đại diện của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam.

Ám ảnh và trách nhiệm Bài 2: …Đến những vụ chống người thi hành công vụ Bài 3: Nỗi đau người ở lại Bài 4: Không có “vùng cấm”
Bài 5: Bắt đầu từ cán bộ, đảng viên và… người trẻ

“Đảng viên đi trước”…

Cán bộ, đảng viên phải là người chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Câu nói "đảng viên đi trước, làng nước theo sau" là có ý rằng, cán bộ, đảng viên phải làm gương, đừng có nói miệng, "chỉ đạo" nhưng không làm, không hành động.

Về mặt pháp luật, cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của pháp luật giao thông thì bị xử phạt hành chính, nếu nghiêm trọng hơn thì bị xử lý hình sự. Đó là hình thức chế tài bình đẳng như mọi công dân khác trước pháp luật.

Tuy nhiên với tư cách là cán bộ, đảng viên, còn phải chịu hình thức kỷ luật của cơ quan, đơn vị mình công tác. Đó mới là sự khác biệt giữa giữa một người dân bình thường với một cán bộ, đảng viên. Hiểu theo nghĩa tích cực, đó là làm gương tốt, làm hạt nhân văn minh, xây dựng môi trường văn hóa và chấp hành pháp luật cho cộng đồng.

Tai nạn giao thông ở Việt Nam thuộc vào loại "thảm họa quốc gia", cho nên phải bằng mọi cách ngăn chặn, kéo giảm. Muốn vậy thì mọi công dân, mọi tổ chức, cá nhân đều phải vào cuộc, chung tay xây dựng một môi trường giao thông văn minh, và đó chính là văn minh pháp luật.

Mỗi người chấp hành pháp luật giao thông thì sẽ có một cộng đồng an toàn giao thông, một đất nước văn minh giao thông.

Muốn làm được điều đó, ngoài tuyên truyền, thì phải sử dụng công cụ pháp luật, thẳng tay xử phạt, hoặc xử lý hình sự. Ngoài cơ quan pháp luật, các cơ quan đơn vị khác cũng phải xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm, để tăng thêm sự "nghiêm chỉnh chấp hành" chung cho toàn xã hội.

Cục Cảnh sát Giao thông cho biết từ ngày 30/8 đến 5/10/2023, sáu tổ công tác của Cục phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an đã kiểm tra tại 45 tỉnh, thành phố.

Kết quả đã trực tiếp kiểm soát 150.763 phương tiện, phát hiện và bàn giao cho Công an địa phương xử lý 5.284 trường hợp vi phạm. Trong đó, 5.053 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 44 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, 24 trường hợp người điều khiển phương tiện trong cơ thể có chất ma túy, 10 trường hợp vi phạm về tải trọng và kích thước hàng hóa, 157 trường hợp vi phạm khác.

Đối với các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, qua xác minh nhanh, ghi nhận 192 trường hợp người vi phạm là đảng viên, cán bộ, công chức.

Những trường hợp vi phạm này bên cạnh việc bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, Cảnh sát Giao thông sẽ gửi thông tin vi phạm về các cơ quan, đơn vị để xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật về công chức, viên chức và điều lệ của cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang.

Trong quá trình kiểm tra, xử lý nồng độ cồn, các tổ công tác đã phát hiện, lập biên bản, bàn giao cho Công an địa phương khởi tố: 3 vụ, 4 đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng chất ma túy trái phép; 3 vụ chống người thi hành công vụ (Hải Dương, Bắc Giang, Hải Phòng); 2 vụ, 2 đối tượng về hành vi làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức (Cao Bằng và Thái Nguyên giả danh nhà báo).

Bài 5: Bắt đầu từ cán bộ, đảng viên và… người trẻ

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Giao thông, trong 9 tháng năm 2023, lực lượng Cảnh sát Giao thông cả nước đã phát hiện, xử lý 547.768 trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, 1.701 trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có chất ma túy trong cơ thể.

Hiện Công an một số tỉnh, thành phố đã thành lập các tổ kiểm tra vi phạm trật tự, an toàn giao thông, gồm nhiều lực lượng như Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát Hình sự, Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về ma túy và Công an cấp huyện, bố trí kiểm tra chéo, tập trung vào kiểm soát vi phạm nồng độ cồn, xử lý vi phạm với tinh thần “không có ngoại lệ,” “không có vùng cấm”.

Đặc biệt, Công an tỉnh đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh có những chỉ đạo kịp thời về không can thiệp vào công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm, nhất là vi phạm nồng độ cồn.

Mỗi hành động cần bắt nguồn từ ý thức

Đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông đau lòng xảy ra khi người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu vượt quá giới hạn cho phép. Rất nhiều bạn trẻ đã từng chứng kiến những vụ tai nạn giao thông như vậy.

“Hôm đó mình đang trên đường đi học về, đến ngã tư đèn đỏ mọi người xung quanh đang dừng xe thì có một thanh niên chưa hết đèn đỏ đã phóng xe đi và xảy ra va chạm”, bạn Nguyễn Ngọc Khánh (17 tuổi) chia sẻ.

bạn Nguyễn Ngọc Khánh
Bạn Nguyễn Ngọc Khánh

Vụ tai nạn không gây ra thương tổn gì lớn nhưng người bị đâm cũng bị nhiều vết thương ngoài da. Anh thanh niên gây tai nạn mặt đỏ bừng bừng, phả ra hơi rượu và có vẻ không tỉnh táo lắm. “Anh thanh niên không xin lỗi người bị hại mà cứ làm ầm lên khiến mọi người xung quanh đều rất khó chịu”, Ngọc Khánh kể thêm.

Không dừng lại ở những vụ va chạm nhỏ, nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc cũng do người điều khiển phương tiện uống rượu bia gây ra. Từng chứng kiến một vụ việc, bạn Trần Minh Quang (Sinh năm 1989) cho biết: “Mình rất ám ảnh với vụ tai nạn do người đàn ông đã sử dụng rượu bia điều khiển xe máy chở vợ sắp cưới đang có bầu, đâm vào ống cống bên đường, dẫn đến tử vong”.

Nhiều vụ tai nạn giao thông do bia rượu vừa gây thiệt hại về người vừa gây ra những thiệt hại về kinh tế. “Mình đã từng chứng kiến vụ tai nạn giao thông trên đường vào một buổi tối muộn. Đó là một vụ tai nạn liên hoàn gây ra do người đàn ông điều khiển ô tô khi say rượu dẫn đến mất kiểm soát và đâm vào hàng loạt phương tiện đang dừng đèn đỏ phía trước”, bạn trẻ Vũ Ngọc Quỳnh (20 tuổi ở Quảng Ninh) chia sẻ. Vụ tai nạn đã khiến toàn bộ nạn nhân đi xe máy dừng đèn đỏ phía trước bị thương nặng, có người đã không qua khỏi. Người gây tai nạn phải bồi thường số tiền rất lớn.

Nhiều người nghĩ uống một vài chén rượu, cốc bia thì làm sao có thể gây tai nạn. Họ không biết rằng, rượu bia sẽ làm suy yếu khả năng phán đoán của người điều khiển phương tiện giao thông, chỉ một phút sơ sẩy đã tàn phá hạnh phúc của chính mình và bao gia đình vô tội khác.

Tuy chỉ chứng kiến vụ tai nạn nhẹ nhưng cô bạn Ngọc Khánh đã khá ám ảnh và sợ những người uống bia rượu lái xe. “Họ đã không làm chủ được hành vi và khi xảy ra tai nạn thì ảnh hưởng rất nhiều đến những người tham gia giao thông khác. Với mình, uống rượu bia rồi tham gia lái xe trên đường phải được cấm tuyệt đối và trừng trị nghiêm khắc trước pháp luật”.

Vụ tai nạn giao thông liên hoàn mà bạn Vũ Ngọc Quỳnh chứng kiến đã để lại hậu quả rất lớn với người đi đường và cả người lái xe đã uống rượu bia. “Trong những nạn nhân có một cô công nhân thu gom rác thải đang trên đường trở về với gia đình sau ngày làm việc mệt mỏi. Họ đều vô tội và không đáng bị vậy bởi những người vô ý thức”, Quỳnh chia sẻ.

Nếu bạn ngồi sau xe của người đã uống bia rượu thì cũng không tránh khỏi nguy cơ bị tai nạn. Trường hợp tai nạn thảm khốc mà Minh Quang nhắc đến chính là ví dụ cụ thể. “Mình nghĩ không nên đặt niềm tin vào tay lái của người đã sử dụng rượu bia. Mọi chuyện có thể xảy ra rất bất ngờ và đem lại hậu quả mà bạn không thể lường trước được.

Mình mong các bạn trẻ có nhận thức đúng đắn về việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Có rất nhiều cách để xử lý khi cần di chuyển mà đã uống rượu bia như: Gửi xe tại nhà hàng, đi taxi về nhà, gọi người thân tới đón...", Minh Quang nói.

bạn Trần Minh Quang
Bạn Trần Minh Quang

Mỗi dịp lễ, Tết đến lại có không ít những vụ tai nạn thương tâm xảy ra xoay quanh vấn đề tai nạn giao thông do rượu bia. “Thực ra cá nhân mình nghĩ việc uống rượu bia có chừng mực không hề xấu. Nó xấu ở chỗ người sử dụng không biết kiểm soát bản thân cho đúng. Dịp lễ, Tết, bên cạnh những lời chúc phúc không thể thiếu việc nâng ly chúc mừng nhưng một hai chén là đủ rồi, hạn chế được đến đâu tốt đến đấy và hãy để người không sử dụng rượu bia cầm lái.

Đã có rất nhiều thông điệp được tuyên truyền như “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”, “Phía trước tay lái là tính mạng” nhưng việc thực hiện đều cần ý thức của mỗi người. Nhiều người vẫn trốn tránh việc tuân thủ quy định của pháp luật, cố tình lách luật.

Là người trẻ, chúng ta cần nâng cao ý thức, phải tiên phong gương mẫu trong việc thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ để bảo vệ cộng đồng, bảo vệ chính bản thân mình, đồng thời thực hiện trọng trách xây dựng đất nước văn minh", Ngọc Khánh nói.

Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông
Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông

Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông - Bộ Công an:

Phải “đánh trúng” để kiềm chế các hành vi vi phạm

Lực lượng Cảnh sát Giao thông thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 23-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Bộ Công an cũng như Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Chúng tôi tập trung đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, rà soát các tuyến, địa bàn, các tụ điểm ăn nhậu, nhà hàng, đưa ra đánh giá và tập trung các lực lượng để đưa vào địa bàn đó thực hiện, đảm bảo hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát. Trong thời gian một tháng thực hiện thí điểm vừa qua, chúng tôi đã xử phạt hơn 5.000 trường hợp vi phạm.

Trong hơn 5.000 trường hợp vi phạm đó có nhiều thành phần, chúng tôi đang tổ chức phân loại, xác minh và sẽ thực hiện đúng, nghiêm theo Chỉ thị 23 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ, xác minh và thông báo vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức về cơ quan, đơn vị chủ quản để có biện pháp phối hợp quản lý, xử lý.

Những tháng cuối năm, chúng tôi phối hợp với công an các địa phương đẩy mạnh các hoạt động, biện pháp nghiệp vụ liên quan, từ khâu tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và tiếp tục đưa các chuyên đề cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Xác định là phải đánh trúng để kiềm chế các hành vi vi phạm, ví dụ như nồng độ cồn, tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường, vượt đèn đỏ, chở quá tải, tránh vượt không đúng quy định. Đó là những nguyên nhân chúng tôi đánh giá có nguy cơ cao làm mất an toàn giao thông.

Trong 9 tháng của năm nay, cơ bản các địa phương đã tập trung kiềm chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, con số về tai nạn giao thông được kiểm soát, kiềm chế, làm giảm số người chết, số người bị thương, chúng tôi rất cần có sự phối hợp của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương.

Tùy theo chức năng, nhiệm vụ liên quan, có thể phối hợp trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức tham gia giao thông, trong quy hoạch đô thị, giải phóng điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, giải phóng lòng lề đường, kiểm soát chất lượng của phương tiện... Đó là tổng hợp các biện pháp để kiểm soát được tình hình trật tự, an toàn giao thông. Lực lượng Công an sẽ tăng cường kiểm soát theo chức năng, nhiệm vụ của mình, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Quốc Tấn
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Bài 5: Văn hóa - Yếu tố chính xây dựng giao thông an toàn

Bài 5: Văn hóa - Yếu tố chính xây dựng giao thông an toàn

TTTĐ - Để đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ, các chuyên gia cho rằng, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như đảm bảo an toàn hành lang, vỉa hè, tăng thêm chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm… Quan trọng hơn cả là xây dựng bằng được văn hóa giao thông. Khi có văn hóa giao thông, người đi bộ sẽ đi đúng phần đường, người điều khiển phương tiện sẽ dừng đúng điểm, người kinh doanh sẽ chủ động giải phóng lối đi cho người đi bộ. Được như thế, giao thông đường bộ sẽ an toàn.
Tin khác
[Xem thêm]
Bài 3: Nỗi đau người ở lại

Bài 3: Nỗi đau người ở lại

TTTĐ - Tai nạn giao thông xảy ra để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng không chỉ là sức khỏe, tài sản mà nhiều trường hợp trả giá bằng chính mạng sống của mình. Hậu quả tai nạn giao thông để lại không chỉ gây mất mát, đau thương cho người bị nạn mà còn là nỗi ám ảnh hằn sâu trong suốt cuộc đời những người đang sống…
Bài 3: Đèn tín hiệu cho người đi bộ "có cũng như không"

Bài 3: Đèn tín hiệu cho người đi bộ "có cũng như không"

TTTĐ - Hệ thống đèn tín hiệu cho người đi bộ giúp người dân chủ động và an toàn hơn khi muốn qua đường, thế nhưng không phải lúc nào hệ thống đèn này cũng phát huy tác dụng. Đã đến lúc cần phải đánh giá lại hiệu quả của việc thí điểm cột đèn tín hiệu dành cho người đi bộ để có các phương án điều chỉnh hợp lý hơn.
Tham gia giao thông - để không... phải cáu!

Tham gia giao thông - để không... phải cáu!

TTTĐ - Cuộc sống của chúng ta luôn nhộn nhịp, hối hả với những chuyến đi. Đi làm, đi học, đi chơi... tất thảy đều gắn với những cung đường. Giao thông là một phần quan trọng với mỗi người hàng ngày, vì vậy, làm thế nào để mỗi chuyến đi đều không phải cáu bẳn, bực dọc thì phụ thuộc rất nhiều vào ý thức chấp hành pháp luật và tuân thủ quy tắc ứng xử nơi công cộng của thành phố.
Bài 2: …Đến những vụ chống người thi hành công vụ

Bài 2: …Đến những vụ chống người thi hành công vụ

TTTĐ - Nhiều vụ chống người thi hành công vụ khi vi phạm pháp luật về giao thông đã xảy ra tại các địa bàn trên cả nước khiến dư luận bức xúc. Tình trạng này không chỉ nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và tính nghiêm minh của pháp luật mà còn gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận nên cần kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm.
Ám ảnh và trách nhiệm

Ám ảnh và trách nhiệm

TTTĐ - Những vụ tai nạn giao thông đau lòng liên quan đến “ma men” đã để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, khiến dư luận rất bức xúc. Ám ảnh đó khiến cả hệ thống chính trị phải vào cuộc và mỗi cá nhân cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông…
Để người đi bộ sang đường an toàn…

Để người đi bộ sang đường an toàn…

TTTĐ - Theo thống kê, tỉ lệ tai nạn giao thông do người đi bộ sang đường sai quy định gần bằng tỉ lệ tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia, chất kích thích có cồn. Hiện các cơ quan chức năng đã, đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong giảm thiểu tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia. Hiệu quả cho thấy rất rõ rệt khi thông điệp “Đã uống rượu bia, không lái xe” được ghim sâu vào trong tâm trí và hành động của nhiều người dân. Đến lúc, chúng ta cũng cần tăng cường các biện pháp mạnh mẽ và kiên quyết tương tự nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông do người đi bộ.
Xem phiên bản di động